Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Một số nội dung chính của Văn bản:
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động xây dựng
1. Trách nhiệm của chủ đầu tư
(1) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống
dịch COVID-19 (sau đây gọi là Ban chỉ đạo) trên công trường, gồm: đại diện chủ đầu
tư, đại diện các nhà thầu, người làm công tác y tế ... để chỉ đạo, thực hiện
các nhiệm vụ sau:
- Phân công cụ thể nhiệm vụ cho mỗi
thành viên Ban chỉ đạo; công khai thông tin liên lạc của các thành viên;
- Đầu mối làm việc với các cơ quan có thẩm
quyền tại địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch và các hoạt động
giao thông, vận tải, cung ứng nhiên liệu, vật tư, vật liệu, thiết bị cho hoạt động
thi công xây dựng trên công trường;
- Tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch
COVID-19 trên công trường trước khi thi công và định kỳ trong quá trình thi
công xây dựng theo Hướng dẫn kèm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG; căn cứ kết quả
đánh giá, thực hiện các biện pháp khắc phục các tồn tại (nếu có) để quyết định việc
tổ chức thi công xây dựng công trình theo quy định tại tiểu mục 1 Mục 6.2 Hướng
dẫn này;
- Chấp thuận Kế hoạch phòng, chống dịch
COVID-19 trên công trường (sau đây gọi là “Kế hoạch”) do các nhà thầu lập;
- Tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo
phòng, chống dịch trên công trường tương ứng với cấp độ dịch tại khu vực xây dựng
công trình theo “Kế hoạch”;
- Thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm
Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng tại địa phương để được hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ triển
khai công tác phòng, chống dịch trên công trường;
- Cập nhật thông tin kịp thời về cấp độ
dịch, vùng dịch, tình hình diễn biến dịch tại các khu vực có liên quan đến công trình
xây dựng và các quy định, hướng dẫn mới về phòng, chống dịch của các cơ quan có
thẩm quyền để kịp thời có phương án chỉ đạo, xử lý và yêu cầu các nhà thầu, người
lao động trên công trường chủ động phòng, chống dịch theo “Kế hoạch”.
(2) Chủ động cùng với các nhà thầu xây dựng
kế hoạch tiêm vắc xin cho người lao động, báo cáo chính quyền địa phương để hỗ
trợ người lao động được ưu tiên tiêm vắc xin sớm nhất.
(3) Định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra
và đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống dịch đối với các nhà thầu trên
công trường và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; yêu cầu các nhà thầu, người lao động
khắc phục các tồn tại (nếu có).
2. Trách nhiệm của các nhà thầu
(1) Thành lập Tổ công tác phụ trách
phòng, chống dịch COVID-19 hoặc Tổ an toàn COVID-19 (sau đây gọi là To công
tác) phù hợp với quy mô, đặc điểm, nhiệm vụ thi công trên công trường (gồm Chỉ
huy trưởng, cán bộ kỹ thuật, đại
diện người lao động...) để triển khai, thực hiện các trách nhiệm của nhà thầu về
công tác phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Tổ công
tác và công khai số điện thoại để liên lạc; phối hợp với Ban chỉ đạo để thực hiện
các nhiệm vụ phòng, chống dịch;
(2) Lập “Kế hoạch” theo nội dung quy định
tại Mục 6 Hướng dẫn này và trình Ban chỉ đạo chấp thuận; “Kế hoạch” phải được
thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện để điều chỉnh phù hợp;
“Kế hoạch” phải đảm bảo
nguyên tắc bao quát đủ các nội dung cần thiết trên một cấp độ dịch ở nơi xây
dựng công trình;
(3) Triển khai, thực hiện đúng “Kế hoạch”
đã lập và được Ban chỉ đạo chấp thuận; khu vực xây dựng công trình có dịch ở cấp độ nào thì
thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng ở cấp độ đó theo quy định tại
Mục 6.2 Hướng dẫn này; phổ biến, tuyên truyền, tập huấn cho người lao động thuộc
thẩm quyền quản lý các
quy định về phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo; xử lý
vi phạm nếu các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý không tuân thủ quy định;
(4) Chủ động phối hợp với chủ đầu tư, cơ sở y tế
địa phương khu vực xây dựng công trình để sớm tiêm đủ các mũi vắc xin phòng dịch
COVID-19 cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý;
(5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin để chỉ đạo, điều hành xử lý công việc trong hoạt động thi công xây dựng và
công tác phòng, chống dịch tại công trường;
(6) Định kỳ, đột xuất giám
sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch của người
lao động thuộc thẩm quyền quản lý để có phương án khắc phục các tồn tại (nếu
có).
3. Trách nhiệm của người lao động
(1) Tuân thủ “Kế hoạch”, quy định của
Ban chỉ đạo đã ban hành và các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị quản
lý, của địa phương nơi cư trú, nơi đến công tác;
(2) Tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu
trang, Khai báo y tế, Không tụ tập, Khoảng cách, Khử trùng); thực hiện các
biện pháp đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế;
(3) Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo
vệ cá nhân, các thiết bị, dụng cụ y tế đã được cấp phát trên công trường;
(4) Chủ động tự theo dõi sức khỏe; không
giấu các biểu hiện nghi mắc COVID-19 (mệt mỏi, sốt >
38°c, ho, đau rát họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác ...) của bản
thân, người xung quanh; nếu phát hiện phải thông báo ngay với Tổ công tác trên
công trường để có phương án xử trí kịp thời;
(5) Hạn chế tối đa các hoạt động tập
trung đông người không cần thiết, hạn chế việc di chuyển, tiếp xúc với người
ngoài công trường, đặc biệt khi khu vực công trường, khu vực lân cận có dấu hiệu
bùng phát, tăng cấp độ dịch, nhàm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch cho bản
thân và người xung quanh./.