Xác định quy hoạch luôn đi trước một bước, là cơ sở quan trọng để định hướng, tổ chức không gian xây dựng nông thôn, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, là cơ sở quan trọng trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ngày 16/7/2021, UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số
82/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh
về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Văn bản số 574/UBND-VP5
ngày 17/8/2021 về công tác quy hoạch chung xây dựng xã trên địa bàn tỉnh và
Thông báo số 184/TB-UBND ngày 02/10/2021 Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND
tỉnh tại Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố đánh giá tình hình phát
triển kinh tế -xã hội 9 tháng năm 2021 và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó nêu rõ việc lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021-2030 được
thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, thời gian hoàn thành lập và
phê duyệt trong năm 2022.
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về quy hoạch
chung xây dựng xã cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực
nông thôn, ngày 20/10/2021 Sở Xây dựng đã nghiên cứu, ban hành văn bản số
1672/SXD-QH hướng dẫn chi tiết UBND các huyện thực hiện một số nội dung quan
trọng trong công tác lập quy hoạch chung xây dựng xã tại địa phương.
Về cơ sở pháp lý, Quy hoạch chung
xây dựng xã phải tuân thủ các quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Luật số
35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên
quan đến quy hoạch, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều về quy hoạch xây dựng, Thông tư 02/2017/TT-BXD ngày
01/3/2017 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã phải định hướng phát
triển khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông
thôn mới giai đoạn 2016-2020 kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016
của Thủ tướng Chính phủ và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao do UBND tỉnh
Nam Định ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 06/6/2018, đảm
bảo tính kế thừa và phát triển bền vững. Áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
4454:2012 Quy hoạch xây dựng nông thôn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy
hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan, trong đó đảm bảo sự phù hợp quy hoạch vùng huyện đã được UBND tỉnh
phê duyệt.
Ngoài ra để hoàn thiện đồ án quy hoạch chung xã đảm bảo
chất lượng, các địa phương cần đặc biệt quan tâm các nội dung liên quan đến quy
hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật…như:
- Đối với quy
hoạch khu dân cư (đất ở): Đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc xây dựng
hiện tại với dự kiến phát triển tương lai, đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân
sinh, đảm bảo yêu cầu về cấp thoát nước, cấp điện, vệ sinh môi trường... Không
quy hoạch vị trí đất ở một vệt dọc theo các trục đường từ quốc lộ, đường tỉnh,
đường huyện, đường liên xã... theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định tại Văn bản
số 766/UBND-VP5 ngày 20/12/2019.
- Quy hoạch
đất sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ tại các vị trí thuận lợi tạo sức
hấp dẫn nhà đầu tư, phù hợp với tiềm năng, quy mô của từng loại hình sản xuất
theo định hướng phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, theo
hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
- Quy hoạch
các công trình công cộng - dịch vụ với diện tích, định mức sử dụng đất, bán
kính phục vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện thực tế và quy định liên
quan. Đường xã phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường huyện và tỉnh. Kế
thừa và phát triển mạng lưới đường hiện có để đáp ứng nhu cầu giao thông vận
tải và phục vụ sản xuất trước mắt và tương lai, kết nối liên hoàn với hệ thống
đường quốc gia, đường tỉnh và đường huyện. Quy hoạch giao thông cấp xã
phải kết hợp với quy hoạch mạng lưới thủy nông, đồng ruộng, đảm bảo đấu nối hài
hòa với kết cấu hạ tầng sẵn có. Hạn chế tình trạng nghĩa trang phân bố phân
tán, xen lẫn với khu dân cư...
Việc quy hoạch chung xây dựng xã sẽ góp phần quan
trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Với bề dầy truyền thống lịch
sử cách mạng, trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định
đã luôn nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng và phát triển, thu được nhiều
kết quả nổi bật nhất là trong xây dựng NTM. Năm 2019, toàn tỉnh đã có 100% số
xã thị trấn và 10/10 huyện thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới,
Nam Định là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng
NTM, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết tỉnh đảng bộ lần thứ XIX đề ra./.