Hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo Luật Thanh tra năm 2022
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Luật Thanh tra 2022 đã có những
điều chỉnh, bổ sung, nhằm từng bước phân định giữa hoạt động thanh tra và hoạt
động kiểm tra trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cụ thể:
Thứ nhất, Luật Thanh tra
2022 quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công
tác thanh tra, kiểm tra:
Khoản 1 Điều 6 Luật Thanh tra
2022 quy định:“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan
quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra
để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước”.
Thứ hai, Trong cơ quan, tổ
chức, đơn vị, công tác kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên để phục vụ
công tác quản lý
Khoản 2 Điều 6 Luật Thanh tra
2022 quy định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức
kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá
nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ
chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu
quả của công tác quản lý nhà nước”.
Thứ ba, Luật Thanh tra
2022 cũng quy định trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng
hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của
pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc
đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì
kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều
tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, Luật Thanh tra
2022 điều chỉnh các hình thức thực hiện hoạt động thanh tra, trong đó bỏ hình
thức thanh tra thường xuyên.
Luật Thanh tra 2010 quy định ba
hình thức tiến hành thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và
thanh tra thường xuyên. Tuy nhiên, Luật Thanh tra 2022 chỉ giữ lại hình thức thanh
tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Quy định về thanh tra, kiểm tra
cũng như sắp xếp lại tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng
thanh tra đã phần nào được làm rõ hơn trong Luật Thanh tra 2022, đây sẽ là một
cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiệu lực của
hai hoạt động này trong thời gian tới, nhất quán theo hướng: kiểm tra là thường
xuyên, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm./.