Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lịch sử 76 năm ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2021)
          Cách đây gần 76 năm, chỉ sau hơn 2 tháng chính quyền được thành lập, vào ngày 23/11/1945, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt - tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam.

Ban Thanh tra này có nhiệm vụ “xét và giải quyết những vụ tham ô, bắt người trái phép, thu thập ý kiến của Nhân dân, thực hiện giám sát các Ủy ban nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Từ năm 1945 đến năm 1969, Người đã ký 38 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra 3 lần (vào các năm 1957, 1960, 1961), Người đến dự và phát biểu với hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc với nhiều bài nói, bài viết về công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng khác.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4/1957, Người chỉ rõ “thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện nghị quyết, chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với nghị quyết, chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”.

Từ đó, lời dạy của Bác “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “cán bộ thanh tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, phải cẩn thận, khách quan, chống quan liêu” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của ngành Thanh tra.

Về công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC của người dân, xuất phát từ tư tưởng “dân là gốc”, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta đã rất quan tâm việc thể chế và hiện thực hóa quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền KN,TC của nhân dân.

Về phẩm chất của cán bộ thanh tra, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Bác còn căn dặn “cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”…

Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ thanh tra “phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”. 

Bác cũng nói: “Đối với cán bộ được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng. Đảng và Chính phủ có tin tưởng mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.

Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Người nói: “Nhiệm vụ của các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, hợp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy, đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ".

Kể từ khi Ban Thanh tra đặc biệt được thành lập đến nay, ngành Thanh tra đã trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành với những tên gọi khác nhau, cụ thể:

1. Ban Thanh tra đặc biệt (từ tháng 11/1945 đến tháng 12/1949)

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64-SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Đây chính là tổ chức tiền thân của Thanh tra Chính phủ sau này và ngày 23 tháng 11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Tiếp theo đó, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 80-SL cử các ông Bùi Bằng Đoàn và Cù Huy Cận vào Ban Thanh tra đặc biệt. Ông Bùi Bằng Đoàn được cử giữ chức Trưởng ban Thanh tra đặc biệt, trở thành vị Tổng thanh tra đầu tiên của Việt Nam.

2. Ban Thanh tra Chính phủ (từ tháng 12/1949 đến tháng 3/1956)

Giữa tháng 12/1949, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138 B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ, ông Hồ Tùng Mậu được cử làm Tổng Thanh tra.

3. Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (từ tháng 3/1956 đến tháng 9/1961)

Sau khi kiểm soát được miền Bắc, ngày 28/3/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Ông Nguyễn Lương Bằng được cử làm Tổng Thanh tra, các ông Nguyễn Côn và Trần Tử Bình làm Phó Tổng Thanh tra.

4. Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (từ tháng 9/1961 đến tháng 2/1984)

Ngày 29/9/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 136/CP quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của cơ quan này. Ông Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Tổng Thanh tra, ông Trần Mạnh Quỳ làm Phó Tổng Thanh tra và các ông Nguyễn Cáo, Đặng Văn Quang giữ chức Ủy viên thanh tra.

Sau 4 năm hoạt động, ngày 11/10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Do đó, trong 4 năm (1965-1968), hệ thống Thanh tra Nhà nước từ Trung ương đến cấp khu, tỉnh, thành phố bị giải thể, chỉ còn các Ban Thanh tra của các Bộ, ngành hoạt động. Các Ban Thanh tra ngành do nhiều nguyên nhân đã không hoạt động đúng chức năng thanh tra mà chỉ dừng lại ở việc xét khiếu tố, và trong công tác này cũng còn nhiều hạn chế.

Mãi đến ngày 11/8/1969 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH, tái thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Ông Nguyễn Thanh Bình được cử giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban, các ông Trần Mạnh Quỳ và Nguyễn Thừa Kế được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, cơ cấu tổ chức ngành Thanh tra cũng thống nhất trên toàn quốc. Ông Trần Nam Trung được bầu làm Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thống nhất.

5. Ủy ban Thanh tra Nhà nước (từ tháng 2/1984 đến tháng 4/2005)

Ngày 15/02/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 26/HĐBT, trong đó còn đổi tên gọi chính thức của hệ thống thanh tra là Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Ông Bùi Quang Tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước.

6. Thanh tra Nhà nước

Ngày 01/4/1990, Pháp lệnh Thanh tra được ban hành. Ủy ban Thanh tra Nhà nước được chuyển đổi thành một cơ cấu ngành dọc với tên gọi Thanh tra Nhà nước. Ông Nguyễn Kỳ Cẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước, giữ chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước.

7. Thanh tra Chính phủ (từ tháng 4 năm 2005 đến nay)

Ngày 25/4/2005, Nghị định 55/2005/NĐ-CP ban hành, thay thế Nghị định 46/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003. Theo đó, ngành Thanh tra Nhà nước đổi tên thành Thanh tra Chính phủ và chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước cũng được đổi thành Tổng Thanh tra Chính phủ./.

Cơ quan: Sở Xây Dựng tỉnh Nam Định
Địa chỉ: 112 Đường Nguyễn Đức Thuận - TP.Nam Định
Điện thoại: (0228) 3649.675 Fax: (0228) 3649.675
Điện thoại đường dây nóng: (0228) 3648.047
Email: soxd@namdinh.gov.vn

 Giấy phép số 04/GP-STTTT ngày 16/9/2019 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp  Designed by VNPT Nam Định

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang