Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thẩm định Dự thảo Kết luận thanh tra trong Luật Thanh tra 2022 - Cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng của kết luận thanh tra

          Luật Thanh tra 2022 tại Khoản 13 Điều 2 quy định Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là việc xem xét, đánh giá để đưa ra nhận xét, kiến nghị nhằm hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Điều 77 Luật Thanh tra 2022 quy định về Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra như sau:

1. Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

2. Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện thẩm định) để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

3. Người thực hiện thẩm định có quyền yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thẩm định; xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về kết quả thẩm định.

4. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc xem xét, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Như vậy, để bảo đảm kết luận thanh tra được chính xác, khách quan và có tính khả thi, Luật Thanh tra 2022 đã quy định về thủ tục thẩm định dự thảo kết luật thanh tra. Tuy nhiên, trên cơ sở quy dịnh trên, để thực hiện công tác thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, cần làm rõ những vấn đề sau:

-  Cần định rõ tiêu chí xác định trường hợp nào là“khi cần thiết” đối với quy trình thẩm định của dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh và dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác. Tránh sự tùy tiện khi áp dụng.

-  “Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra”. Vấn đề bố trí, phân công cá nhân hay đơn vị thực hiện việc thẩm định cũng có thể gặp khó khăn nhất định. Nếu cơ quan thanh tra nào có sẵn bộ máy, thì việc phân công có thể dễ dàng hơn, với cơ quan thanh tra không có bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, sẽ khó khăn cho việc giao công tác thẩm định cho cá nhân, tổ chức khi cơ quan thanh tra không có biên chế chuyên trách. Đặc biệt đối với các đoàn thanh tra liên ngành, khi cần thiết phải tiến hành thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, lãnh đạo cơ quan thanh tra thực hiện việc phân công một cá nhân, cơ quan khác(có chuyên môn sâu về lĩnh vực chuyên ngành) thẩm định, thì có khó khăn cho việc phân công cán bộ của đơn vị khác hay không nếu cơ quan có người được phân công đó không phối hợp?

-  “Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định”. Với quy định này, cần làm rõ việc văn bản phân công được thể hiện dưới tên loại gì, phải là Quyết định hay một văn bản phân công thông thường? Những nội dung cơ bản trong văn bản phân công cần có? Để đảm bảo tính chính xác, thống nhất, chặt chẽ.

 Trên cơ sở phân tích về những vấn đề đặt ra trong quy định của Luật Thanh tra 2022, để công tác thẩm định đạt được hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, cần đảm bảo được những yêu cầu sau:

-  Cần xây dựng quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan khi thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, đặc biệt là những cuộc thanh tra có nhiều nội dung, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

-  Quy định điều kiện tiêu chuẩn của cá nhân, đơn vị được giao thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Những trường hợp không được tham gia thẩm định, khi không đảm bảo được tính khách quan của kết quả thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

-  Có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục (các mẫu văn bản), thời hạn thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và quyền, nghĩa vụ của cá nhân, đơn vị thực hiện thẩm định, trách nhiệm đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện việc thẩm định.

-  Cần bổ sung thêm quy định về các điều kiện bảo đảm cho việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (con người, cơ sở vật chất…)

Tóm lại, quy định việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra trong Luật Thanh tra 2022 sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để hoàn thiện và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác này các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong thời gian tới./.

Cơ quan: Sở Xây Dựng tỉnh Nam Định
Địa chỉ: 112 Đường Nguyễn Đức Thuận - TP.Nam Định
Điện thoại: (0228) 3649.675 Fax: (0228) 3649.675
Điện thoại đường dây nóng: (0228) 3648.047
Email: soxd@namdinh.gov.vn

 Giấy phép số 04/GP-STTTT ngày 16/9/2019 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp  Designed by VNPT Nam Định

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang