Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đảm bảo hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản hoạt động hiệu quả

          Triển khai Nghị định 44/2022/NĐ-CP (Nghị định 44) của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin (HTTT) nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS), đến nay Bộ Xây dựng đã hoàn thành nâng cấp hệ thống; tổ chức tập huấn, đào tạo và hướng dẫn sử dụng Hệ thống trên phạm vi toàn quốc, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường BĐS.

Đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực nhà ở và bất động sản

Nghị định số 44 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2022 thay thế Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng HTTT về nhà ở và thị trường BĐS.

Nghị định quy định về việc xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng HTTT về nhà ở và thị trường BĐS; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý và khai thác sử dụng HTTT về nhà ở và thị trường BĐS, trong việc kết nối và chia sẻ công bố thông tin, dữ liệu trên HTTT về nhà ở và thị trường BĐS.

Theo Nghị định, Hệ thống được xây dựng thống nhất trên toàn quốc nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin cơ bản về nhà ở và thị trường BĐS cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và việc công bố các số liệu thống kê về nhà ở và thị trường BĐS, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Để triển khai thực hiện Nghị định số 44, Bộ Xây dựng đã phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, trong lĩnh BĐS, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm.

Tập trung đẩy mạnh việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước (về đất đai, tài chính, ngân hàng...), công khai, minh bạch các thông tin, số liệu về dự án BĐS.

Bộ Xây dựng đồng thời đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, tập trung chỉ đạo tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 44 cho các Sở, ban, ngành (Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, UBND cấp huyện, chủ đầu tư dự án bất động sản, sàn giao dịch BĐS).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo Cơ quan quản lý HTTT về nhà ở và thị trường BĐS (Sở Xây dựng hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà ở và thị trường BĐS địa phương cấp tỉnh) trong việc xử lý thông tin, dữ liệu trước khi được tích hợp và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS để đảm bảo tính hợp lý, thống nhất.

Các địa phương cần giao trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS cho các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc lập kế hoạch thực hiện số hóa những dữ liệu chưa ở dạng số; có biện pháp quản lý, nghiệp vụ và kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu số về nhà ở và thị trường BĐS…

anh tin bai
HTTT về nhà ở và thị trường BĐS sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường BĐS

 Chuyển đổi số giúp thị trường bất động sản minh bạch

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang quản lý, vận hành HTTT về nhà ở và thị trường BĐS tại địa chỉ batdongsan.xaydung.gov.vn. Đây là dữ liệu đầy đủ tin cậy liên quan đến số lượng dự án, giao dịch, các dự án hoàn thành được mở bán cũng như thông tin giá cả, cơ cấu. Trong thông tin này còn cập nhật cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan tác động đến thị trường BĐS.

Tại Hội nghị tập huấn Nghị định số 44/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng HTTT về nhà ở và thị trường BĐS, hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung cho cán bộ, công chức và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà ở và thị trường BĐS do Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS phối hợp với Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, HTTT về nhà ở và thị trường BĐS được xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, đảm bảo tính khoa học, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng.

Trong đó, HTTT về nhà ở và thị trường BĐS gồm: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và đất ở do Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền; số liệu, kết quả, báo cáo của các chương trình điều tra, thống kê quốc gia về nhà ở; các thông tin, dữ liệu về Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở và kết quả thực hiện phát triển nhà ở, các thông tin, dữ liệu về biến động liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở trên toàn quốc được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu nhà ở địa phương; số liệu, kết quả, báo cáo của các chương trình điều tra, thống kê về nhà ở tại địa phương; các thông tin, dữ liệu về việc thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn đối với từng trường hợp phát triển nhà ở cụ thể; các thông tin, dữ liệu về biến động liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng nhà ở, đất ở trên địa bàn…

Hệ thống được xây dựng phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính quyền điện tử ở địa phương, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin, định mức kinh tế kỹ thuật và được quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương…

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, Bộ Xây dựng nhận thấy lĩnh vực chuyển đổi số BĐS cũng còn nhiều hạn chế như: HTTT còn nhiều bất cập, chưa công khai, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường. Chuyển đổi số phân tán ở nhiều tổ chức khác nhau với các mục tiêu khác nhau.

Việc kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai, nhà ở với cơ sở dữ liệu dân cư còn chưa đầy đủ, thiếu rất nhiều, dẫn đến thiếu tính minh bạch cũng như cái nhìn tổng thể. Việc ứng dụng chuyển đổi trong đầu tư xây dựng các dự án BĐS cũng chưa được sâu rộng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác...

Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS gắn với yêu cầu của nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực BĐS.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản quy định chi tiết, trong đó hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm…, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường BĐS.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cần tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến.

Chủ động nghiên cứu, đổi mới các phương thức tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng công nghệ; tăng cường hơn nữa trải nghiệm các sản phẩm cho khách hàng bằng những công nghệ mới như công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường giúp người mua nhà có thể xem và trải nghiệm không gian nhà ở, văn phòng… trên mô hình 3D...

Cơ quan: Sở Xây Dựng tỉnh Nam Định
Địa chỉ: 112 Đường Nguyễn Đức Thuận - TP.Nam Định
Điện thoại: (0228) 3649.675 Fax: (0228) 3649.675
Điện thoại đường dây nóng: (0228) 3648.047
Email: soxd@namdinh.gov.vn

 Giấy phép số 04/GP-STTTT ngày 16/9/2019 do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cấp  Designed by VNPT Nam Định

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang