Xây dựng và kiểm soát toàn diện hệ thống CSDL
Hệ thống CSDL về định mức xây dựng, giá xây
dựng công trình và chỉ số giá xây dựng là đầu mối kết nối các thông tin, dữ
liệu về định mức xây dựng và giá xây dựng do các Bộ, ngành và các địa phương
ban hành, công bố, góp phần làm minh bạch thông tin và phòng chống thất thoát,
lãng phí ngân sách.
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí
ĐTXD (Chính phủ ban hành ngày 09/02/2021) quy định rõ: Hệ thống CSDL về định
mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng là một bộ phận của
hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về hoạt động xây dựng theo Luật Xây dựng.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng, quản lý,
vận hành và kiểm soát toàn diện hệ thống CSDL; Các Bộ quản lý công trình xây
dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp cung cấp các thông tin
dữ liệu để cập nhật vào hệ thống CSDL, tạo ra sự kết nối đồng bộ về dữ liệu,
phục vụ kịp thời công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý chi phí ĐTXD
và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Việc xây dựng hệ thống CSDL nói trên được Bộ
Xây dựng xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển
khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (Đề án 2038) và đưa vào
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm
2030.
Thực hiện nhiệm vụ, Bộ Xây dựng đã tập trung
xây dựng hệ thống CSDL với mục tiêu: Đảm bảo tính thống nhất, đủ độ tin cậy, để
phục vụ quản lý định mức và giá xây dựng xuyên suốt từ Bộ Xây dựng, các Bộ quản
lý công trình xây dựng chuyên ngành, các vùng, các địa phương và các chủ thể có
liên quan…
Ngày 05/9/2022, tại Quyết định số 737/QĐ-BXD,
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chính thức ban hành Quy chế quản lý, vận hành, cung cấp
thông tin, khai thác, sử dụng hệ thống CSDL về định mức xây dựng, giá xây dựng
công trình và chỉ số giá xây dựng.
Hệ thống CSDL được vận hành như thế nào?
Hệ thống CSDL được xây dựng nhằm mục đích sử
dụng trực tuyến. Hệ thống được triển khai và tạo lập trên hệ thống máy chủ tập
trung (đặt tại Bộ Xây dựng), giúp cho các ứng dụng cung cấp dịch vụ trên diện
rộng và có thể mở rộng nhanh khi có lượng truy cập lớn.
Cổng thông tin điện tử được thiết kế mở, có
thể dễ dàng truy cập, khai thác thông tin dữ liệu và sử dụng các phần mềm tiện
ích trên mạng máy tính ở bất kỳ đâu, phục vụ các đối tượng sử dụng khác nhau,
từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, các tổ chức,
cá nhân hoạt động trong ngành Xây dựng.
Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hệ thống CSDL gồm
hệ thống mạng, hệ thống máy chủ, hệ thống bảo mật và hệ thống lưu trữ.
Trong đó, hệ thống bảo mật được chia thành
nhiều lớp sẽ đảm bảo tính an toàn cho toàn bộ hệ thống và cả những người dùng.
Hệ thống lưu trữ được cài đặt sao lưu định kỳ và có thể phục hồi dữ liệu khi hệ
thống gặp sự cố…
Với mô hình này, hệ thống CSDL có thể dễ dàng
tiếp cận các đối tượng sử dụng trực tiếp qua mạng máy tính, không cần xây dựng
các hệ thống cơ sở ở các địa phương, giúp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu và
chi phí quản lý vận hành, bảo hành bảo trì phát sinh trong quá trình sử dụng.
Khi người dùng đăng ký và được cấp tài khoản
sử dụng hệ thống, người dùng có thể dễ dàng tra cứu, tìm kiếm, thống kê… các
thông tin, dữ liệu về: Định mức xây dựng, đơn giá xây dựng công trình, giá vật
liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, đơn giá ca máy và thiết bị thi công
xây dựng, chỉ số giá xây dựng và suất vốn đầu tư.
Các dữ liệu này do các cơ quan quản lý Nhà
nước ở Trung ương và địa phương ban hành, công bố được cập nhật lên hệ thống
CSDL.
Ngoài các thông tin, dữ liệu được các cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố, hệ thống CSDL cũng mở rộng để thu
thập và cung cấp các thông tin, dữ liệu với mục đích tham khảo, cũng như thông
tin thị trường do các tổ chức tư vấn, chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị sản
xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, máy thi công và thiết bị công trình cung
cấp.
Chính các dữ liệu này góp phần làm phong phú
nguồn thông tin, là dữ liệu tham khảo phục vụ cho công tác lập và quản lý chi
phí ĐTXD.
Kho dữ liệu tham khảo và kho thông tin thị
trường cũng là nơi để các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật liệu, thiết bị xây
dựng có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến các chủ đầu tư và các
chủ thể khác có liên quan.
Cùng với các chức năng tra cứu thông tin, hệ
thống CSDL cũng cung cấp các phầm mềm hỗ trợ như phần mềm lập dự toán, phần mềm
tính chỉ số giá xây dựng, phần mềm tính suất vốn đầu tư…
Các phần mềm đều được kết nối với hệ thống CSDL
để khai thác, sử dụng tối đa các thông tin dữ liệu đã được công bố, ban hành,
phục vụ các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn và các cơ quan quản lý Nhà nước
trong việc lập, thẩm tra, thẩm định và quản lý chi phí ĐTXD.
Các chức năng nghiệp vụ chuyên sâu như thống
kê, so sánh biến động giá… cũng được thiết kế, giúp hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn
cho các cơ quan quản lý Nhà nước, thuận tiện trong việc thống kê, báo cáo.
Hệ thống CSDL cũng cung cấp các văn bản quy
phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế xây dựng…
Khi người dùng đăng ký sử dụng hệ thống CSDL
sẽ được cung cấp tài khoản sử dụng miễn phí các chức năng của hệ thống cũng như
các phần mềm tiện ích kèm theo. Việc này giúp tiết kiệm các chi phí phát sinh
trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Đặc biệt, tại mục “Văn bản hỏi đáp”, người
dùng có thể dễ dàng tham khảo, tìm kiếm và tra cứu trực tiếp các văn bản trả
lời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý chi phí và hợp đồng
xây dựng được đăng tải công khai…
Liên tục cập nhật hệ thống CSDL
Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Đàm Đức Biên
cho biết: Toàn bộ hệ thống định mức, đơn giá, giá vật liệu xây dựng công bố,
giá nhân công, giá cá máy, suất vốn đầu tư, chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng,
các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và 63 tỉnh, thành ban hành công
bố trong giai đoạn năm 2010 - 2019 đã được thu thập, tổng hợp và số hóa, cung
cấp trên hệ thống CSDL về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số
giá xây dựng của Bộ Xây dựng.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống CSDL đã tổng
hợp và số hóa được 95 bộ định mức, 224 bộ đơn giá, khoảng 5.000 quyết định công
bố giá vật liệu xây dựng của các địa phương, 80 quyết định công bố đơn giá nhân
công và giá ca máy và thiết bị thi công; cùng các dữ liệu liên quan đến chỉ số
giá xây dựng, suất vốn đầu tư. Tổng số trường dữ liệu đã được số hóa đạt trên
100 triệu trường thông tin, dữ liệu…
Hơn nữa, hệ thống đang tiếp tục được cập nhật
dữ liệu ở các giai đoạn tiếp theo và tiếp tục hình thành hệ thống dữ liệu quốc
gia về định mức, đơn giá, suất đầu tư, đơn giá tổng hợp, năng suất nhân tố tổng
hợp (TFP) của dự án, công trình theo từng lĩnh vực, trong đó bao gồm xây dựng,
công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia, đô thị, góp phần tính toán
các yếu tố kinh tế vĩ mô, quản trị dự án, chương trình và định hướng phát
triển…
“Có thể nói đây là kho dữ liệu tương đối khổng
lồ và là kho dữ liệu tập trung, dùng chung đầu tiên của ngành Xây dựng” – Ông
Đàm Đức Biên nhận định.
Bộ Xây dựng đã cấp tài khoản khai thác, sử
dụng hệ thống cho các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, 63/63 Sở Xây
dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các Ban Quản lý dự án sử
dụng vốn ngân sách địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử
dụng.
Trước đó, Cục Kinh tế xây dựng đã tổ chức
chuỗi 4 lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng hệ thống CSDL cho các Bộ, ngành và địa
phương trên phạm vi cả nước theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cục
Kinh tế xây dựng cũng tiến hành tổ chức tập huấn riêng cho các địa phương, tổ
chức có nhu cầu tìm hiểu, tham gia, khai thác sử dụng hệ thống CSDL.
Ngoài ra, các chuyên gia của Cục Kinh tế xây
dựng cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các đơn vị sử dụng hệ thống qua các
nền tảng trực tuyến…
Ông Đàm Đức Biên nhận định: Các cơ quan, tổ
chức có liên quan cùng thực hiện nghiêm túc, kịp thời quy chế quản lý vận hành
thì chắc chắn hệ thống CSDL sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả, giúp cho các cá
nhân, tổ chức và các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng có thêm
công cụ hữu ích để phục vụ hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao năng suất
ngành Xây dựng, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế trong
ĐTXD và phát triển hạ tầng, đô thị; đưa ngành Xây dựng ngày càng phát triển
theo hướng số hóa và đồng bộ dữ liệu, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu thủ tục
hành chính…