Kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP
Trong đó Điều 13 quy định về Kiểm tra việc thực hiện pháp luật
trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng như sau:
1. Các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng (sau đây
gọi tắt là các lĩnh vực xây dựng) bao gồm:
a) Lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;
b) Lĩnh vực kiến trúc;
c) Lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng;
d) Lĩnh vực phát triển đô thị;
đ) Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;
e) Lĩnh vực nhà ở và công sở;
g) Lĩnh vực thị trường bất động sản;
h) Lĩnh vực vật liệu xây dựng.
2. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc
thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra đối với các lĩnh vực xây
dựng trên phạm vi cả nước. Các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng theo
chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực
hiện việc kiểm tra đối với lĩnh vực được phân công;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức kiểm tra việc thực
hiện pháp luật đối với các lĩnh vực xây dựng trong phạm vi địa bàn quản
lý của mình; chỉ đạo việc tham gia, phối hợp kiểm tra trong lĩnh vực xây
dựng đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
chức năng tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng giúp Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp,
ủy quyền thực hiện việc kiểm tra cho Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc
thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng,
quy hoạch đô thị, kiến trúc); Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã phù hợp với quy định của pháp luật và
tình hình thực tiễn tại địa phương.
3. Kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực xây
dựng được thực hiện định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo kế hoạch kiểm tra,
quyết định kiểm tra, được quy định như sau:
a) Người có thẩm quyền hoặc người đứng đầu cơ quan được
phân cấp, ủy quyền quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm ban hành
kế hoạch kiểm tra (theo từng lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực) trước ngày 15 tháng
3 hàng năm để thực hiện hoạt động kiểm tra định kỳ; quyết định việc tổ chức
kiểm tra đột xuất khi cần thiết.
Trường hợp người có thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm
riêng theo từng lĩnh vực thì phải bảo đảm không trùng lặp về đối tượng kiểm tra
với kế hoạch kiểm tra của lĩnh vực khác.
Kế hoạch kiểm tra hàng năm của người có thẩm
quyền quy định tại điểm a khoản
2 Điều này phải bảo đảm không trùng lặp về nội dung, đối tượng, phạm vi, lĩnh
vực kiểm tra với kế hoạch kiểm tra hàng năm của người có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và không
trùng lặp với kế hoạch thanh tra;
b) Người có thẩm quyền hoặc người đứng đầu cơ quan được phân
cấp, ủy quyền quy định tại khoản 2 Điều này ban hành Quyết định kiểm tra.
Quyết định kiểm tra bao gồm các nội dung cơ bản sau: ngày, tháng,
năm ban hành quyết định kiểm tra; căn cứ ban hành quyết định kiểm tra; đối
tượng được kiểm tra; địa điểm kiểm tra; nội dung kiểm tra; thời hạn kiểm tra;
họ, tên, chức vụ của trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm
tra; quyền hạn và trách nhiệm của đoàn kiểm tra; quyền và trách nhiệm của đối
tượng được kiểm tra; kinh phí thực hiện kiểm tra; họ, tên, chức vụ của người
ban hành quyết định kiểm tra; đề cương gợi ý báo cáo, danh mục văn bản, tài
liệu liên quan… (nếu có) kèm theo;
c) Việc tổ chức kiểm tra được thực hiện bằng nhiều hình
thức: tổ chức kiểm tra tại địa điểm kiểm tra hoặc gửi hồ sơ bằng đường công văn
tới cơ quan thực hiện kiểm tra hoặc tổ chức họp trực tuyến về nội dung kiểm tra
hoặc hình thức khác (nếu có).
4. Nội dung kiểm tra
a) Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều
hành thuộc lĩnh vực xây dựng; công bố định mức, đơn giá xây dựng, tiêu chuẩn cơ
sở thuộc lĩnh vực xây dựng (nếu có);
b) Việc thực hiện các quy định pháp luật, các nhiệm vụ được phân
cấp, ủy quyền, các nhiệm vụ theo chức năng được giao thuộc lĩnh vực xây dựng;
c) Việc bố trí nguồn lực và các điều kiện khác bảo đảm cho việc
thi hành pháp luật; việc thực hiện thống kê, chế độ báo cáo, lưu trữ, xây dựng,
quản lý cơ sở dữ liệu.
5. Kết luận kiểm tra
a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc hoạt động kiểm tra,
đoàn kiểm tra dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho đối tượng được kiểm tra để
lấy ý kiến đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo
kết luận kiểm tra, đối tượng được kiểm tra gửi lại đoàn kiểm tra ý kiến bằng
văn bản đối với các nội dung trong dự thảo kết luận kiểm tra;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến
bằng văn bản của đối tượng được kiểm tra đối với các nội dung trong dự thảo
kết luận kiểm tra hoặc 03 ngày làm việc
kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này mà không nhận
được ý kiến bằng văn bản của đối tượng được kiểm tra đối với các nội dung trong
dự thảo kết luận kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra trình người có thẩm quyền
kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra.
Người ban hành quyết định kiểm tra hoặc trưởng đoàn kiểm tra trong
trường hợp được người ban hành quyết định kiểm tra ủy quyền (sau đây gọi là
người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra) ký kết luận kiểm tra và
chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết luận kiểm tra;
d) Kết luận kiểm tra được gửi cho đối tượng được kiểm tra và các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành để thực
hiện các nội dung nêu trong kết luận
kiểm tra và công khai theo quy định tại khoản 6 Điều này;
đ) Kết luận kiểm tra bao gồm các nội dung cơ bản sau đây: kết quả
đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại hạn chế; xác định rõ vi
phạm và kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có); thời hạn báo cáo người có thẩm quyền
kiểm tra về kết quả thực hiện kết luận kiểm tra.
6. Công khai kết luận kiểm tra
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết luận kiểm tra,
người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra có trách nhiệm thực hiện
công khai kết luận kiểm tra theo một trong các hình thức sau đây:
a) Tổ chức họp công bố kết luận kiểm tra với thành phần gồm: người
có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra; đoàn kiểm tra; đối tượng được kiểm
tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
b) Đăng tải nội dung thông báo kết luận kiểm tra trên Cổng thông
tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan kiểm tra. Thời gian đăng tải
ít nhất là 30 ngày;
c) Niêm yết tại trụ sở làm việc của đối tượng được kiểm tra.
7. Hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các
lĩnh vực xây dựng bảo đảm không chồng chéo với hoạt động thanh tra, không
làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân; có sự
phối hợp của các cơ quan có liên quan.
8. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra
a) Hoạt động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra
được tiến hành thông qua việc yêu cầu đối tượng được kiểm tra báo cáo việc thực
hiện kết luận kiểm tra. Nội dung báo cáo việc thực hiện kết luận kiểm tra gồm:
việc tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra; tiến độ, kết quả thực hiện kết luận
kiểm tra, những nội dung đã hoàn thành, chưa hoàn thành; khó khăn, vướng mắc;
nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận kiểm tra
và kiến nghị, đề xuất.
Người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra phân công người
trực tiếp theo dõi, trao đổi, làm việc với đối tượng được kiểm tra để xác định
thông tin về tình hình thực hiện kết luận kiểm tra;
b) Người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra quyết định kiểm
tra việc thực hiện kết luận kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây: hết
thời hạn phải thực hiện kết luận kiểm tra mà đối tượng được kiểm tra không hoàn
thành việc thực hiện kết luận kiểm tra hoặc không có báo cáo kết quả thực
hiện kết luận kiểm tra hoặc không có
văn bản xin gia hạn thực hiện kết luận kiểm tra.
9. Kinh phí kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực
xây dựng được bố trí từ ngân sách nhà
nước. Việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí kiểm tra được thực hiện
theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
10. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này chỉ đạo xây
dựng, ban hành Quy chế nội bộ để triển khai nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện
pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng./.